Kệ Pháp Cú – Phẩm Song Yếu phần 1:
Tích chuyện vị tăng mù.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ Viên Tự, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến chuyện một vị tăng mù tên là Cát Khư.
Nguyên, lúc bấy giờ, vị tăng mù Cát Khư đến đảnh lễ Đức Phật. Chiều hôm ấy, ông đi kinh hành bên ngoài, vô ý đạp chết nhiều côn trùng. Sáng hôm sau, nhiều vị tăng trẻ tuổi thấy xác côn trùng, sanh ra hiểu lầm, cho rằng vị tăng Cát Khư phạm giới sát-sanh. Họ liền vào thưa trình với Đức Phật. Phật hỏi: “Các ông có chính mắt trông thấy Cát Khư giết hại côn trùng không?”. Các vị tăng đáp, không. Phật bảo: “Các ông chẳng thấy ông ta giết, cũng như ông ta đã chẳng thấy các côn trùng dưới chân, khi đi kinh hành. Hơn nữa, Cát Khư đã chứng được quả vị A La Hán rồi, chẳng hề có ý định sát sanh, nên chẳng có phạm tội.”. Các vị tăng lại hỏi, vì sao vị tăng đã chứng được quả vị A La Hán mà hai mắt lại bị mù, Đức Phật mới kể lại câu chuyện xưa như sau:
Trong một đời về tiền kiếp, Cát Khư là một vị y sĩ có danh tiếng. Một người đàn bà bị đau mắt, đến thưa cùng ông: “Nếu ông chữa lành đôi mắt tôi, tôi nguyện tôi và các con cái của tôi sẽ làm nô lệ cho ông.”. Khi người đàn bà ấy đã lành mắt, lại muốn nuốt lời, bảo rằng đôi mắt còn tệ hơn trước. Cát Khư biết rõ người ấy nói dối mình, nên căm thù và đưa cho một thứ thuốc xoa vào mắt. Người đàn bà bất hạnh đó bị mù luôn. Vì tội ác nầy, Cát Khư phải sanh ra mù loà trong nhiều đời sống kế tiếp, cho đến hiện nay.
Sau khi kể xong, Đức Phật liền đọc lên bài kệ:
Nơi muôn pháp, ý đi tiền-đạo;
Ý làm chủ, ý tạo cõi lòng.
Ai đem tâm-ý chẳng trong
Nói năng, hành-động, khổ đồng theo sau;
Như xe chuyển bánh theo trâu kéo hoài.
(Kệ Pháp Cú – Phẩm Song Yếu Số 001)
TÌM HIỂU:
A- Nghĩa Chữ:
– Phẩm Song Yếu: Bộ Kinh Pháp Cú có 26 chương, mỗi chương gọi là một Phẩm. Phẩm đầu tiên này tên là Song Yếu (Song: hai, Yếu: quantrọng), gồm có nhiều bài kệ sắp thành từng cặp hai bài. Bài số 1 nầy được học chung với bài kệ số 2, ở phía sau, cả hai bài cùng có liên quan đến một ý nghĩa chung.
– Tăng: đàn ông, con trai, vào chùa tu theo đạo Phật. Nếu là giới phụ nữ thì gọi là Ni.
– Cát Khư: Thiện Nhựt mạn phép đặt tên Việt cho vị tăng nầy, để dễ đọc; trọn tên vị A La Hán nầy bằng tiếng Pali là Cakkhupàla.
– Kỳ Viên Tự: chùa Kỳ Viên, tên tiếng Pali là Jetavana. Nguyên Thái tử Kỳ Đà có khu vườn đẹp; ông Cấp Cô Độc muốn mua để cất tịnh xá cho Đức Phật và Tăng đoàn ở tu. Thái tử bảo, lót vàng lên khắp mặt đất, ông sẽ bán cho. Ông Cấp Cô Độc làm theo, còn các hàng cây cao chẳng thể lót vàng lên được. Thái tử cười, tặng cả khu vườn để xây tịnh xá. Vì thế, tịnh xá có tên là Kỳ Viên Tự (Kỳ: tên của Thái tử Kỳ Đà; Viên: vườn; Tự: chùa). Trong các kinh, thường gọi nơi nầy là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên, nghĩa là ngôi chùa của Ông Cấp Cô Độc xây trong vườn có hàng cây của Thái tử Kỳ Đà.
– Xá Vệ: một nước ở miền Bắc Ấn Độ ngày xưa, quê hương của Đức Phật Thích Ca. Tên Pali là Sàvathi.
– Kinh Hành: Kinh: kinh; Hành: đi. Đi Kinh Hành là bước đi chầm chậm từng bước, trong tâm im lặng, hoặc vừa đi vừa niệm Phật. Còn gọi là thiền hành.
– Giời Sát Sanh: Giới: điều răn cấm của người tu hành; Sát: giết; Sanh: sinh vật có mạng sống. Sát sanh là giết hại mạng sống, là điều răn cấm thứ nhất trong giới luật của đạo Phật.
– Quả Vị A La Hán: Quả: kết quả, khi tu thành công; Vị = ngôi vị; A La Hán: tiếng Phạn là Arhat, tiếng Pali là Arahant, người đã chứng được quả vị thứ tư, cao nhất trong hàng Thanh Văn. Thanh Văn là những vị đệ tử sống gần bên Đức Phật, nghe giảng Pháp mà tu tập, để lần lượt chứng các quả vị:
(1) Tu Đà Hườn.
(2) Tư Đà Hàm.
(3) A Na Hàm.
(4) A La Hán.
Ba quả vị trước thuộc bầc Hiền; quả vị A La Hán là bậc Thánh, chẳng còn phiền não và hết phải sinh trở lại trong vòng Luân hồi.
– Tiền Kiếp: Tiền: trước; Kiếp: các đời sống trước, sau và hiện-tại. Tiền kiếp là kiếp trước, đời sống trước khi sanh thành người vào đời thời nầy.
– Nô Lệ: đày tớ ở trọn đời với chủ, chẳng có tự do cá nhân riêng.
– Muôn Pháp: Muôn: chỉ số nhiều; Pháp = tất cả sự sự, vật vật, có thể đặt tên để gọi. Vídụ: cái xe, con trâu, người ta, ýnghĩ, lời nói, … đều là pháp cả.
– Tiền Đạo: Tiền: trước; Đạo: đường. Ý muốn nói, trong mọi việc, ý khởi lên trước nhất, dẫn đầu mọi việc khác.
– Kinh, Kệ: Kinh: lời giảng về pháp tu của Phật hay Bồ Tát, được ghi chép lại; Kệ: bài thơ ngắn tóm tắt lại lời kinh đã giảng.
– Pháp Cú: dịch chữ Pali là Dhammapada. Dhamma là Pháp có nghĩa là pháptu, đường lối tu hành đi tìm chân lý. Cú: câu văn. Kinh Pháp Cú nằm trong Tiểu Bộ Kinh, thuộc Kinh Tạng, trong Tam Tạng Kinh Điển. Kinh này ghi chép lại các bài kệ của Phật nói, nhân một tích chuyện có thật xảy ra. Việc ghi chép nàyđược thực hiện sau khi Đức Phật đã lìa đời.
B.- Nghĩa Ý:
1.- Ý nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện mang hai ý nghĩa:
– Một: kể lại việc vì mù chẳng thấy côn trùng ở dưới chơn, nên vị tăng chẳng phạm tội sát sanh khi đạp chết chúng, lúc đi kinh hành. Đức Phật bảo, vì chẳng có ý định sát sanh, nên chẳng phạm tội đó. Vậy, điều quan trọng trong tội lỗi, chính là ý ác khởi lên trước trong tâm.
– Hai: kể lại việc báo thù của vị y sĩ. Tại sao ông bị mù nhiều kiếp? Theo câu chuyện, chính ông có ác ý, muốn hại người đàn bà phải mù, để báo thù việc bà đã nói dối với ông. Ác ý đó là nguyên nhân khiến cho ông phải chịu khổ sở vì mù loà, qua nhiều đời kế tiếp.
2.- Ý nghĩa của bài Kệ:
– Ý nghĩa quan trọng nhất của bài Kệ: trước khi nói năng hay hành động, từ trong tâm, ý đã khởi lên trước, khiến cho ta phải nói hay làm theo. Nếu có ý xấu, thì lời nói cùng việc làm, vì đó mà xấu theo. Rồi vì có ác ý, có lời xấu, có việc làm dữ, nên phải chịu hậu quả cũng xấu theo, là phải khổ sở. Hễ có ý chẳng trong sạch, rồi hành động, hay nói, sai lầm, thì sẽ phải khổ, theo sau liền, đâu tránh được. Diễn lại nghĩa nầy, giáo lý nhà Phật gọi đó là luật Nhân quả: gây nhân ác, chịu quả xấu.
– Hình-ảnh quan-trọng do bài Kệ gợi lên: câu cuối của bài Kệ gợi lên hình ảnh cái bánh xe lăn theo chân con trâu kéo phía trước. Bánh xe chẳng thể ngừng, nếu con trâu phía trước đang bước tới. Đó cũng như, đã có ý ác sẵn rồi, thì lời nói, việc làm chẳng thể tốt đẹp được. Lại nữa, lời nói, việc làm đã xấu thì người nói hay làm sẽ phải chịu sự khổ sở về sau, chẳng có cách nào thoát khỏi. Hình ảnh bánh xe đang quay tượng trưng cho vòng Luân hồi (Luân: bánh xe; Hồi: trở lại; quay hết một vòng rồi trở lại quay tiếp, chẳng ngừng.) Còn ở trong vòng Luân Hồi, là còn phải chịu cảnh sinh, già, bịnh, chết để rồi lại sinh trở lại, nối tiếp khổ mãi.
HỌC TẬP:
1.- Học thuộc lòng bài Kệ: đặc biệt ghi nhớ: ý làm chủ, ý gây nên mọi việc khiến ta phải trôi lăn trong cảnh khổ của Luân hồi.
2.- Trong ba nghiệp: nghiệp thân, nghiệp miệng và nghiệp ý thì ý nghiệp là quan trọng nhất. Vì có nghiệp, nên con người phải chịu khổ trong cảnh Luân hồi. Vậy, phải làm sao cho nghiệp được trong sạch, mới dứt hết khổ.Dứt nghiệp bằng cách thanh lọc ý nghiệp trước.
3.- Tập thanh lọc tâm ý: thanh lọc tâm ý là làm cho lòng mình được trong sạch. Bằng cách nào? Bằng cách dẹp bỏ những ý nghĩ xấu; hễ khi biết mình đang nghĩ quấy, phải liền dứt bỏ. Thí dụ như đang nhớ đến việc xấu của người, đó là tâm mình đang bị “dơ”, dơ vì mình để chỗ xấu của người len lọt vào tâm mình. Ai làm xấu mặc ai, mình chỉ nghĩ tốt.
Thiện Nhựt lược dịch – tìm hiểu
Hãy chia sẻ nội dung này để mang giáo pháp đức Phật đến với mọi người.