Luân hồi hay tái sinh là sự chuyển hóa sự sống của một sinh vật qua nhiều kiếp theo sự tái sinh. Đây chính là triết thuyết tôn giáo được phát triển cách đây đến mấy nghìn năm. Thuyết này bàng bạc trong dân gian, khắp nơi trên thế giới, ở Ai Cập, Hy Lạp cổ đại, nhất là Ấn Độ. Các tôn giáo như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Do Thái giáo và cả những người theo thuyết thần trí học (theosophy) đều đề cập đến vấn đề này… thuyết luân hồi lan truyền hầu như toàn bộ các nước ở Châu Á. Người Tây phương hiểu luân hồi qua từ Metempsychosis, Tranmission hay Reincarnation. Theo Webster’s New World Encylopedia (1992) thì thuyết luân hồi bao hàm ý nghĩa rằng sau khi chết, linh hồn của loài người cũng như loài vật và ngay cả loài cây cỏ cũng sẽ chuyển sinh từ cơ thể này qua cơ thể khác từ dạng này qua dạng khác tùy theo những gì đã gây ra lúc còn sống.
Thuyết luân hồi hay tái sinh có ý nghĩa vô cùng sâu sắc và chi li: mọi sinh vật, sau khi chết sẽ chuyển hóa từ một thân xác này sang một thân xác khác. Ngay cả loài vật và loài cây cỏ cũng vậy. Luân hồi hay tái sinh (Reincarnation) là sự chuyển hóa hay sự chuyển sinh, đầu thai (transmission) của linh hồn. Nói rõ hơn là khi chết, linh hồn sẽ chuyển từ thân xác này để nhập vào một thân khác. Khi chết thân xác hủy hoại tan rã, chỉ có linh hồn tồn tại.
Theo Phật giáo thì luân hồi, tái sinh là một phản ứng nghịch lại, là một sự báo ứng tự nhiên của mọi hành động. Mỗi hành động đều có những phản ứng dội lại cho hành động gây ra. Chữ luân hồi theo Phật giáo lấy từ Phạn ngữ là Samsàra.
Con người phải trải qua nhiều kiếp cho đến khi chịu đủ sự trả quả tương xứng về những gì đã làm và không tạo nên nghiệp xấu thì mới mong được tới cõi an lạc mà Phật giáo gọi là cõi Niết Bàn (Nirvana). Những ai phạm điều xấu, ác thì khi chết phải đọa vào địa ngục và chịu những sự xử phạt công minh.
Theo thuyết của Phật giáo có mười nghiệp dữ (sát sinh, trộm cắp, dâm dật, tham muốn, tức giận, si mê) đối lại với mười nghiệp dữ có mười nghiệp lành như không giết hại, không tham lam trộm cắp, không giận hờn, không mê muội…) nếu khi sống tạo nghiệp ác thì khi chết phải chịu luân hồi tái sinh vào thân phận kẻ chịu khổ đau vì phải trả cái nghiệp xấu ấy. Nếu khi sống tạo nghiệp lành, thì khi chết sẽ luân hồi đầu thai vào thân xác mới có đời sống sung sướng tốt lành hơn. Nói tóm lại tất cả những gì mà bản thân đang phải trải qua ở hiện tại chính là kết quả của những nghiệp gì mà kiếp trước bản thân đã làm. Và tất cả những gì mà hiện tại bản thân hành động thì đó sẽ là cái nghiệp được tạo lập trong hiện tại để có nghiệp báo ở tương lai tức là sư báo ứng của việc mình làm.
Các nhà nghiên cứu về thuyết luân hồi tái sinh lúc đầu tưởng rằng thuyết này chỉ phát triển ở các nước Á Châu, nhất là vùng Đông Nam Á. Nhưng dần dần họ khám phá ra rằng không riêng gì ở vùng Á Châu mà ở các nước Ai Cập, Hy Lạp cổ đại như nơi vùng ốc đảo xa xăm, thuyết này vẫn bàng bạc trong dân chúng và cả người dân Da đỏ cũng thường tin vào thuyết tái sinh. Các nhà nghiên cứu hiện tượng luân hồi lúc đầu rất ngạc nhiên về sự trùng hợp lạ lùng của một số lớn người Da đỏ ở Bắc Mỹ Châu giống một số lớn người dân Châu Á về niềm tin có sự tái sinh. Nhưng khi xét về mặt địa lý họ thấy không có gì đáng ngạc nhiên vì thời đại Băng Hà, Á Châu và Mỹ Châu đã dính liền với nhau một cách tạm thời từ hai vùng Tây Bá Lợi Á (Siberia) và Alaska. Lúc bấy giờ người Á Châu đã liên lạc được với vùng Bắc Mỹ qua ngả này và ngay cả một số loài thú cũng vậy. Bác Sĩ Mills đã đưa ra những điểm tương đồng về sự kiện này như sau.
Người Tây Tạng tin rằng, vì Phật Sống Lạt Ma của họ khi qua đời sẽ lại tái sinh để chăm dắt và che chở cho dân tộc họ. Cũng vậy, những người Da đỏ Bắc Mỹ Châu tin rằng vị Tù Trưởng bộ lạc đôi khi chọn sự đầu thai trở lại để giúp đỡ những người trong thị tộc. Ngày nay, một số tôn giáo khác tuy nhiên một số người dân ở đây vẫn còn tin vào sự tái sinh. Thường thì họ suy đoán qua giấc mộng, qua lời nói bất chợt của người trong nhà, nhất là của đứa bé. Sự trùng hợp về hình hài, cử chỉ, hiện tượng v.. v… đều được chú ý cẩn thận. Đôi khi họ còn tin tưởng rằng người chết hiện về dù trong giấc mộng cũng bao hàm ý tưởng là họ sắp đầu thai trở lại. Đôi khi họ còn để ý qua dấu bớt, vết sẹo trên da của trẻ sơ sinh. Nếu giống với dấu vết mà người đã chết trước đó có thì có thể nghĩ rằng người ấy đã lại tái sinh. Cũng có khi họ quan sát đứa trẻ về cách cư xử, ăn ở của nó. Nếu giống với người đã chết thì đó là điều đáng quan tâm. Nhiều người trước khi chết thường trối trăn lại lời ao ước muốn hay không muốn được sinh ra lần nữa.
Hãy chia sẻ nội dung này để mang giáo pháp đức Phật đến với mọi người.