Tích chuyện thanh niên được sanh lên cõi trời
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến Mã-Thà, một chàng thanh-niên dòng Bà-la-môn, được sanh lên cõi Trời.
Vào thời ấy, có một người Bà-la-môn giàu-có, nhưng rất rít-róng, chẳng ưa bố-thí cho ai cả. Ông tên là A-Đinh, chỉ có một đứa con trai, tên là Mã-Thà. Ông hà-tiện đến nổi chẳng chịu mua sắm vật trang-sức cho con mà chính tay ông lại làm lấy, để khỏi phải tốn tiền công thợ. Khi Mã-Thà đau nặng, ông chẳng chịu rước thầy thuốc để trị. Mãi cho đến khi bịnh-tình quá trầm-trọng, hết phương cứu chửa, ông liền đem giường con nằm ra để ngoài hàng ba, hướng về bàn thờ thần mưa ngoài sân, vì bụng ông sợ các người đến thăm-viếng, nhìn thấy đến của-cải trong nhà.
Sáng sớm hôm ấy, trong cơn thiền-định thâm-sâu, Đức Phật quán thấy cảnh thương-tâm của thanh-niên Mã-Thàđang nằm trước hàng ba ở nhà. Khi cùng với các đệ-tử vào thành Xá-vệ để khất-thực, Đức Phật liền đi đến trước cửa nhà ông A-Đinh và đứng dừng lại đó. Ngài phóng hào-quang chiếu vào nhà, khiến cho Mã-Thà phải chú-ý, quay đầu ra ngoài và nhìn thấy Phật. Vì bịnh quá nặng, Mã-Thà chỉ có thể dùng tâm-tư của mình, hướng về Phật màđảnh-lễ. Thế cũng đủ! Ngay khi thở hơi cuối cùng, với tấm lòng kính-mộ Đức Phật sẵn trong tâm, Mã-Thà liền được sanh lên cõi Trời Đao-Lợi.
Từ trên cung Trời nhìn xuống, Mã-Thà thấy cha mình đang đau buồn ở nghĩa-điạ, chàng liền hiện thân xuống bên cha, như hồi còn sống. Mã-Thà thưa với cha, kể lại vì sao mình đã được sanh lên cõi Trời sung-sướng và thúc-dục cha nên thỉnh Đức Phật về nhà để dâng cơm cúng-dường. Bấy giờ, trong nhà ông A-Đinh mọi người đang bàn-tán về việc, có thật hay chẳng có thật, chỉ cần dùng tâm-ý kính-mộ Đức Phật là đủ để sanh lên Trời. Đoán biết được tâm-trạng còn nghi-ngờ của mọi người, tâm Đức Phật liền triệu-thỉnh Mã-Thà từ cung Trời Đao-Lợi. Mã-Thà liền vâng lịnh, trong y-phục đẹp-đẽ của chư Thiên, hiện xuống nhà cũ, đứng giữa mọi người, kể lại nhờ tâm biết kính-lễ Đức Phật mà được sanh Thiên.
Bấy giờ, Đức Phật liền đọc lên bài Kệ:
Nơi muôn pháp, ý đi tiền-đạo,
Ý làm chủ, ý tạo cõi lòng.
Ai đem tâm-ý sáng trong
Nói năng, hành-động, vui đồng theo sau;
Khác nào bóng chẳng lià hình.
(Kệ số 002)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa CHỮ:
– Mã-Thà: Thiện Nhựt mạn phép đặt tên Việt cho chàng thanh-niên nầy, tên thật bằng tiếng Pali là Matthakundali.
– A-Đinh: cha của Mã-Thà; tên thiệt của ông là Adinnapubbaka.
– Bà-la-môn: giai-cấp tu-sĩ trong xã-hội xưa ở Ấn-độ. Có bốn giai-cấp, từ trên xuống dưới: (1) Bà-la-môn, tu-sĩ; (2) Sát-đế-lợi, vua, quan; (3) Phệ-xá, buôn bán, (4) Thủ-đà-la, công-nhơn.
– Bàn thờ thần mưa: theo tục-lệ bên Ấn-độ, thờ thần mưa gió, đặt bàn thờ ngoài sân, cũng tựa như bình-dân Việt có bàn thờ ông Thiên.
– Thiền-định: ngồi Thiền và nhập định, nghĩa là lắng yên tâm-tư trong cảnh vắng-lặng, chẳng theo cảnh bên ngoài, chẳng bị ý bên trong trì-níu.
– Quán: suy-nghĩ sâu-xa, nhìn thấy bằng tâm-tư.
– Khất-thực: khất = đi xin; thực = ăn. Đây là giới-hạnh Đức Phật đặt ra, buộc mọi vị tỳ-kheo phải mang bình bát đi ăn xin từng nhà, chớ chẳng được làm nghề khác để sanh-sống. Hạnh khất-thực khiến cho người tu-hành dẹp bỏđược sự kiêu-căng, cúi mình đi ăn xin, và có dịp gặp người thế-tục để giảng-dạy về pháp Phật.
– Hào-quang: ánh-sáng phát ra từ người tu-hành đã chứng Đạo.
– Đảnh-lễ: cúi đầu làm lễ, kính lạy. Mã-Thà chỉ đảnh-lễ Phật bằng ý-nghĩ thôi, vì lúc ấy anh đang đau nặng.
– Cõi Trời Đao-Lợi: cõi Trời nầy, tiếng Pali là Tavatimsa. Còn gọi là Cõi Tam-thập-tam thiên, nghĩa là cõi Trời có 33 cảnh: mỗi phương có 8 cảnh, do một vị Thiên-đế cầm đầu, và ở trung-ương có Vua Đế-Thích ngự-trị.
– Cúng-dường: dưng phẩm-vật lên để tỏ lòng kính-trọng. Vốn do đọc trại ra chữ Hán-Việt Cung-dưỡng ( = cung-cấp và nuôi dưỡng).
– Kính-mộ: kính = cung-kính; mộ = ái-mộ; kính-mến.
– Triệu-thỉnh: triệu = gọi đến; thỉnh = mời đến; cho gọi tới.
– Sanh Thiên: sanh lên cõi Trời.
B.- Nghĩa Ý:
1.- Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện mang hai ý-nghĩa:
– Thứ nhất, vì tỏ lòng kính-lễ Đức Phật, vào lúc sắp lià đời, nên chàng thanh-niên Bà-la-môn được sanh lên cõi Trời hưởng sự sung-sướng. Theo kinh sách, được thác-sanh vào cõi Trời, cuộc đời sẽ kéo dài lâu hơn ở trần-gian, mọi nhu-cầu đều được thoả-mãn đầy-đủ, chẳng phải lo việc ăn-uống, sống trong cung-điện huy-hoàng và muốn đi đâu liền được đến đấy. Nhưng khi hưởng hết phước lành, chư Thiên bị suy-thoái và còn phải chịu cảnh Luân-hồi, trở lại cõi trần hay đoạ vào các nẻo dữ. Người Phật-tử biết chọn mục-tiêu giải-thoát hoàn-toàn, chẳng lấy việc sanh lên Trời làm mục-đích, mà chọn con đường đi đến Niết-Bàn, chấm dứt cuộc tử-sanh, sống tịch-tĩnh trong niềm thường-vui.
– Thứ hai, thái-độ đáng trách của ông A-Đinh quá keo-kiệt: con đau chẳng rước thầy thuốc; đến lúc con lâm-nguy, lại đem ra bỏ ở hàng ba. Đó chính là vì bụng dạ quá rít-róng hà-tiện. Theo kinh-sách, những người như thế, sẽ thác-sanh vào hàng ngạ-quỉ ( = quỉ đói), luôn luôn bị đói khát. Để trị bịnh xan-tham nầy, kinh-sách dạy phải năng bố-thí. Trong các hình-thức bố-thí, sự dâng cúng lễ-vật đến các bực chơn-tu là hình-thức cao quí, chỉ thua việc pháp-thí ( = giảng-dạy Chánh-pháp cho kẻ khác biết được đường tu giải-thoát) mà thôi. Thanh-niên Mã-Thà, vì thế, đã khuyên cha nên thỉnh Phật đến nhà mà cúng-dường. Đó là việc tạo phước-đức thật to-lớn, khiến cho thí-giả ( = người đem của ra bố-thí) được sanh lên cõi Trời vào đời sau.
2.- Ý-nghĩa của bài Kệ:
– Ý-nghĩa quan-trọng nhứt của bài Kệ là: cũng như bài Kệ số 001, ý làm chủ, ý gây ra mọi việc, từ lời nói đến việc làm. Nếu đem tâm-ý thanh-tịnh mà nói lên, hoặc hành-động, thì sẽ được vui hưởng điều lành.
– Hình-ảnh do bài Kệ gợi lên: Câu chót của bài Kệ:
“Khác nào bóng chẳng lià hình” đã diễn-tả LUÂT NHƠN-QUẢ rất rõ-ràng bằng hình-ảnh: NHƠN là hình,còn QUẢ là bóng, là ảnh. Khi có ánh-sáng, ta chẳng thấy hình của vật nào mà chẳng có bóng của nó cả. Ở đời cũng vậy, chẳng có một sự-việc nào làm nguyên-nhơn gây ra mà chẳng có hậu-quả của nó đi kèm theo. Chẳng có cách nào để tách rời bóng với hình ra, cũng chẳng có cách nào để khiến cho một nguyên-nhơn chẳng gây ra hậu-quả được.
Trong bài Kệ số 001, tâm-ý chẳng trong-sạch làm nguyên-nhơn gây ra hậu-quả xấu, còn gọi là ác-báo.
Trong bài Kệ số 002, tâm-ý sáng trong làm nguyên-nhơn tạo nên thành-quả tốt, còn gọi là phước-báo.
HỌC TẬP:
1.- Học thuộc lòng bài Kệ: bài Kệ số 002 dễ nhớ, nhờ đã thuộc sẵn bài Kệ số 001; chỉ cần đổi: “tâm-ý chẳng trong” ra “tâm-ý sáng trong”, và trước thì: “khổ đồng theo sau”, còn sau thì đổi ra “vui đồng theo sau”.
Và học thêm câu chót: “Khác nào bóng chẳng lià hình”, vốn là một câu thường nghe nói ở đời.
2.- Một cách thanh-lọc tâm-ý: Mô Phật! Ta thường thấy các cụ già mô Phật, mỗi khi nghe một câu nói chẳng vừa ý mình: đó là cách làm cho mình chẳng nổi lên tức-giận. Tiếng Mô Phật nầy chẳng nên thốt lên ngoài đầu môi chót lưỡi, mà khi nói, phải quay vào bên trong tâm mình, xem coi cơn giận nổi lên có còn đó hay không, hay đã bớttức chút nào chưa. Người nào biết Mô Phật như thế là biết làm cho lòng mình trở nên trong-sáng hơn.
Thường người ta cũng mô Phật khi nghe một câu nói thiện-lành. Đó là làm cho tâm mình đang trong-sáng, lại càng trong-sáng hơn.
Thiện Nhựt lược dịch – tìm hiểu
Hãy chia sẻ nội dung này để mang giáo pháp đức Phật đến với mọi người.