Tích chuyện Trưởng lão Thi-Sa.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, ở nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến vị Tăng ngoan cố là Tôn-giả Thi-Sa.
Tôn giả Thi-Sa vốn là con nguời dì của Đức Phật, từng sống chung với Đức Phật khi Ngài còn là Thái-tử. Đến khi trọng tuổi, tôn giả mới xuất-gia, thường tự coi mình là một vị Tăng Trưởng-lão. Thế nhưng đối với những nghĩa vụ của một tăng nhân mới nhập đạo, Tôn giả thường hay xao lãng; lại luôn cãi vã náo loạn lên với các vị tăng trẻ tuổi. Nếu có ai khiển trách, thì Tôn-giả khóc lên, chạy đi mét với Đức Phật.
Một ngày kia, Thế tôn hỏi ông: “Nầy Thi-Sa, cớ làm sao mà ông ưu phiền đến nỗi nước mắt chảy quanh mi như thế?” Thi-Sa vừa cãi vã với một nhóm tăng nhân xong, liền thưa với Phật rằng: “Nếu họ đến đây để gặp Thế tôn, thì chắc con chẳng phải ưu phiền như vầy!” Vừa lúc ấy, các tăng nhân ấy đến lễ-bái Phật. Thi-Sa liền thưa: “Bạch đức Đạo-sư, các vị tăng nầy mới vừa khiển trách con đây.”
Thế tôn hỏi:
– Hiện tại, ông đang ở chỗ nào?
– Con đang ở tại Đại sảnh đường, Thế tôn.
– Ông có thấy chúng tăng đi đến đây không?
– Con có thấy, Thế tôn.
– Ông có đứng dậy nghinh tiếp họ không?
– Chẳng có, Thế tôn.
– Ông có đưa tay ra mời, dắt họ vào trong hay không?
– Chẳng có, Thế tôn.
– Nầy Thi-Sa, ông chẳng nên có thái độ như thế, đối với những người đã vào Đạo trước ông. Ông nên hướng về họ mà ngỏ lời xin lỗi đi.
– Thế tôn, con chẳng chịu xin lỗi họ đâu!
Chúng tăng liền thưa với Đức Phật:
– Thế tôn, vị tăng nầy rất là ngoan-cố.
Thế tôn đáp:
– Nầy chư tăng, ông ta ngoan cố như thế chẳng phải là lần thứ nhứt. Tại tiền kiếp, ông ta cũng đã tỏ ra rất ngoan cố rồi.
Chư tăng thỉnh cầu Phật cho biết về tiền kiếp, tôn giả Thi-Sa đã ngoan cố như thế nào. Do đó, Đức Phật mới kể lại câu chuyện xưa như sau đây:
Thuở xưa, có một vị tăng tu khổ hạnh tên là Đề-va-la ngụ trên dãy núi Hi-mã-lạp-sơn. Vào đầu mùa mưa, ông quay về thành Ba-la-nại để mua muối, dấm và định lưu lại đây hết bốn tháng mưa dầm. Tại cửa thành, ông gặp hai vị tăng nhân trẻ tuổi, liền hỏi: “Các du tăng đến thành này, thường trú ngụ tại đâu?” Họ đáp, tại lò gốm. Đề-va-la liền đi đến lò gốm, xin ngủ qua đêm tại đó, và được chủ lò gốm chấp thuận. Độ một lúc sau, lại có một vị du tăng khác, tên là Na-ra-đa, cũng đến xin tá túc. Hai người thi lễ với nhau rồi cùng tạm trú trong lò gốm bỏ trống về đêm.
Đến giờ đi ngủ, Na-ra-đa cẩn thận xem Đề-va-la nằm ở đâu và cửa ra vào ở phía nào, rồi mới đi nghỉ. Thế nhưng một chập sau, Đề-va-la lại đổi chỗ, đến nằm gần bên cửa cái. Về khuya, Na-ra-đa cần đi ra ngoài, chẳng để-ý, đạp nhằm đầu của Đề-va-la. Đề-va-la hét lên:
– Ai đạp lên đầu ta vậy?
– Chính con là Na-ra-đa, con xin Sư phụ tha lỗi.
– Mi là một tên ác tăng, sống ở rừng rú, cứ nhè đầu ta mà đạp lên.
– Con chẳng biết Sư phụ đã đổi chỗ nằm, xin Sư phụ tha tội.
Na-ra-đa liền đi ra ngoài. Trong lúc đó, Đề-va-la sợ bị đạp lần nữa, quay sang nằm chỗ khác. Lúc vào, Na-ra-đa cẩn-thận tránh chỗ cũ, đi chầm chậm từng bước sờ-soạng, nhưng lại rủi thay lần nầy lại đạp trúng ngay cổ của Đề-va-la.
– Ai vậy?
– Chính con! Thật con chẳng biết Sư-phụ lại dời qua bên nầy, xin Sư phụ từ bi tha tội cho con.
– Mi quả thật là tên ác tăng. Lúc đi ra, đạp đầu ta, lúc trở vào lại đạp cổ ta. Ta phải niệm chú nguyền rủa mi mới được.
– Muôn vàn xin Sư phụ từ bi, hỉ xả mà tha tội cho con, xin đừng niệm chú.
Nhưng Đề-va-la chẳng tha, cứ niệm chú:
– Nguyện đầu mi sẽ bể thành bảy mảnh vụn vào lúc mặt trời mọc.
Na-ra-đa trong cơn thiền-định, nhận thấy chú ngữ lại có phãn ứng quay ngược lại hại người đang trù rủa. Na-ra-đa liền vận thần thông khiến cho mặt trời chẳng mọc lên được. Lúc bấy giờ, Quốc-vương thành Ba-la-nại biết được chuyện tại sao mặt trời chẳng mọc, lền giận dữ và buộc Đề-va-la phải xin lỗi, để cho mặt trời mọc. Nhưng Đề-va-la nhứt-định chẳng tuân lịnh, cứ tiếp tục niệm chú. Bấy giờ, Na-ra-đa mới thưa:
– Bạch Sư phụ, con sắp làm phép cho mặt trời mọc trở lại, nhưng đầu của Sư phụ sẽ bị bể thành bảy mảnh vụb. Sư phụ mau mau lấy đất sét trét lên đầu, rồi lặn xuống sông ngay, đến chỗ cạn mới trồi lên.
Đề-va-la biết cơn nguy khốn sẽ xãy ra cho mình, liền vội lấy đất sét trét lên đầu và lặn xuống sông. Đến khi trồi lên, mặt trời chiếu rọi, lớp đất sét trên đầu liền bể tan thành bảy mảnh vụn, nhờ đó mà thoát chết.
Đức Phật kết thúc câu chuyện: “Đề-va-la chính là Thi-Sa ngày nay, vị Quốc vương là A-nan-đà, còn Na-ra-đa chính là Ta đây.” Rồi Đức Phật mới đọc lên hai bài Kệ như sau:
“Nó mắng tôi, nó đánh đập tôi,
“Nó thắng tôi, nó cướp đoạt tôi.”
Ai ôm ấp mãi tâm-niệm ấy,
Oán hận chẳng nguôi, nặng cõi lòng.
(Kệ số 003)
“Nó mắng tôi, nó đánh đập tôi,
“Nó thắng tôi, nó cướp đoạt tôi.”
Ai sớm vứt đi tâm niệm ấy,
Oán-hận liền nguôi, nhẹ cõi lòng.
(Kệ số 004)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa CHỮ:
– Trưởng lão: trưởng = lớn; lão = già. Trưởng Lão =vị Tăng có nhiều tuổi Đạo ( = dự một kỳ an-cư kiết-hạ vào mùa hè là thêm một tuổi Đạo)
– Tôn giả: tôn = tôn-trọng; giả = người; bực đáng tôn-kính.
– Thi-Sa: tên thật bằng tiếng Pali là Tissa.
– Đề-va-la: tên thật bằng tiếng Pali là Devala.
– Na-ra-đa: tên thật bằng tiếng Pali là Narada.
– A-nan-đà: tên thật bằng tiếng Pali là Ananda.
– Thá -tử: thái = lớn; tử = con; người con trai lớn của Vua, sau sẽ nối ngôi.
– Trộng tuổi: đã lớn tuổi; vào khoảng trên bốn, năm mươi trở lên.
– Xuất gia: xuất = đi ra; gia = nhà; rời nhà đi tu; trái nghĩa với chữ tại gia là còn ở nhà, tu tại gia.
– Ưu phiền: ưu = lo-lắng; phiền = buồn lòng; buồn rầu.
– Khiển trách: quở trách, trách móc.
– Đại sảnh đường: đại = lớn; sảnh =phòng; đường = nhà; căn phòng lớn trong nhà, tức là phòng khách.
– Chúng tăng: chúng = số đông; tăng = tu-sĩ theo đạo Phật.
– Nghinh tiếp: nghinh = chào đón; tiếp = tiếp đón.
– Thế tôn: thế = thế-gian; tôn = tôn trọng; bực được cả thế gian tôn-trọng, tức là Đức Phật. Các tỳ-kheo gọi Phật là Thế tôn; Phật tự xưng là Như Lai.
– Ngoan cố: cứng đầu, chẳng chịu vâng lời.
– Thỉnh cầu: cầu xin; tiếng để thưa với các vị đáng tôn-trọng.
– Khổ hạnh: khổ = cực khổ; hạnh = hành động, hạnh kiểm; đây là lối tu hành ép xác chịu cực khổ nhiều.
– Ba-la-nại: thành thị lớn ở Ấn-độ, còn có tên gọi là Vanarasi, hay là Bénarès. Chính ở một ngôi vườn gần thành nầy (vườn Lộc-uyển) Đức Phật đã giảng bài pháp đầu tiên (Kinh Chuyển Pháp-Luân) cho năm anh em ông Kiều-trần-như nghe.
– Du tăng: du = đi đó đi đây; tăng = tu sĩ Phật giáo; các vị du tăng đi khắp nơi để tìm thầy học đạo, chẳng ở một nơi nhứt định nào. Còn gọi là vị tăng hành cước.
– Tá túc: tá = nhờ vào, ở nhờ; túc = đêm; ở nhờ qua đêm.
– Thi lễ: thi = thi-hành, làm; lễ = chào; làm lễ chào hỏi nhau.
-Sư phụ: thầy; thầy dạy Đạo (sư = thầy; phụ = cha).
– Ác tăng: ác = dữ; tăng = tu-sĩ; tiếng để mạt sát nhà tu hành.
– Từ bi, hỉ xả: theo nghĩa thong thường là hãy mở lòng thương mà tha tội cho. Theo nghĩa chuyên môn trong Phật-học, Từ là đem sự vui đến cho kẻ khác; Bi là cứu giúp kẻ khác khỏi khổ đau; Hỉ là vui mừng khi thấy kẻ khác thành công; Xả là buông bỏ chẳng cố chấp. Trong Phật học, từ, bi, hỉ, xả, được gọi là Tứ vô lượng Tâm, nghĩa là bốn tấm lòng rộng rãi thương người (từ), cứu giúp người (bi), vui mừng khi thấy người sung sướng (hỉ ), chẳng cố chấp lỗi của người (xả ). Đây là đường lối tu hành của bậc Bồ-tát.
– Niệm chú: niệm = đọc ra tiếng hay đọc thầm; chú = còn gọi là chơn ngôn, chú ngữ, lời nói bí mật được tin tưởng là có hiệu lực thần bí.
– Nguyền rủa: trù ẻo; mong cho kẻ khác bị hại.
– Thần thông: phép lực siêu nhiên, thí dụ như bay trên không.
– Quốc vương: quốc = nước; vương = vua.
– Tâm niệm: tâm = lòng; niệm = ở đây, là ý nghĩ, tư tưởng.
– Oán hận: oán = oán thù; hận = hờn giận.
B.- Nghĩa Ý:
1.- Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện có các ý-nghĩa sau đây:
(1).- Bổn phận của người mới vào tu đối với người đã tu lâu: Để tỏ lòng kínhtrọng đối với người đã đi trước mình, người mới vào đạo phải kính nhường, đón chào, kính lễ và vâng lời. Vị Tăng Thi-Sa đã thiếu sót trong bổn phận nầy, mặc dầu đã được Phật nhắc nhở.
(2).- Sự ngoan-cố chỉ đem hại lại cho người ngoan-cố:
– Thi-Sa chẳng chịu xin lỗi với chúng tăng và chẳng đứng dậy chào đón, mời họ vào Đại-sảnh-đường, nên mới bị Phật quở-trách.
– Đề-va-la cứ niệm chú để nguyền rủa Na-ra-đa, mặc dầu đã được xin lỗi, phải chịu hậu-quả tai-hại của lời chú quay ngược lại hại mình
– Người ngoan-cố phải chịu đau buồn vì trong lòng bị ý-tưởng xấu trì-níu, khuấy rối, xúi-dục làm điều quấy.
(3).- Thái-độ từ bi của vị Tăng Na-ra-đa: Nhờ thiền-định quán thấy ảnh-hưởng tai-hại của chú-ngữ sẽ xảy đến cho Đề-va-la, Na-ra-đa đã vận-dụng thần-thông cho mặt trời chẳng mọc. Lại chỉ cách cho Đề-va-la trét đất sét lênđầu, lặn xuống sông, để khỏi bị bể đầu. Đây là Na-ra-đa đã biết đem ơn mà trả oán.
2.- Ý-nghĩa của hai bài Kệ:
Ý-nghĩa quan-trọng của cả hai bài Kệ nầy là chỉ cách cho ta dẹp được niềm oán-hận đang nung-nấu trong tâm.
(1).- Tại sao sanh ra oán-giận? Hai câu đầu của cả hai bài Kệ nêu rõ nguyên-nhơn sanh ra oán-giận:
– “Nó mắng tôi”: tôi sanh ra oán-giận nó, vì lời nói của nó làm chạm tự-ái của tôi.
-’‘Nó đánh-đập tôi”: tôi sanh ra oán-giận nó, vì hành-động của nó xâm-phạm đến thân của tôi.
– “Nó thắng tôi”: tôi sanh ra oán-giận nó, vì nó hơn tôi.
– “Nó cướp đoạt tôi”: tôi sanh ra oán-giận nó, vì nó đã giựt lấy tài-sản của tôi.
Tóm lại, chỉ vì nó đã xâm-phạm đến tôi và những gì của tôi, mà tôi sanh ra oán-giận. Tôi giận vì tôi thấy những gìtôi quí đang bị xâm-phạm.
(2).- Khi mình sanh ra giận-hờn, thì lòng mình như thế nào?
So-sánh hai câu thứ ba và thứ tư ở cả hai bài Kệ, ta thấy:
(a).- Thái-độ khác nhau giữa người giận và người chẳng giận:
– “Ai ôm-ấp mãi tâm-niệm ấy”: người giận cứ ghim chặt trong bụng mình lời nói và hành-động của người đã xâm-phạm mình;
–’‘Ai sớm vứt đi tâm-niệm ấy”: người chẳng giận biết gạt khỏi bụng mình lời nói và hành-động của người đã xâm-phạm mình.
(b).- Kết-quả về phía người bị chọc giận:
– “Oán-hận chẳng nguôi, nặng cõi lòng”: cơn giận khởi lên, chẳng những làm cho người giận tức-tối lên, nó cònđè nặng cõi lòng nữa, nghĩa là, nó nung-nấu, sôi sùng-sục, kéo dài sự khó chịu cho đến chừng nào quên giận đi thì mới thôi.
– “Oán-hận liền nguôi, nhẹ cõi lòng”: cơn giận chẳng kịp nổi lên, lòng người bị chọc giận cảm thấy nhẹ-nhàng và vui hơn, vì đã “thắng” được mình, khi biết người gây oán-hận dầu có nói hay làm gì cũng chẳng “thấm” vào trong mình mình được.
HỌC TẬP:
1.- Học thuộc lòng hai bài Kệ nầy. Học xong bài Kệ số 003, là thuộc luôn cả bài Kệ số 004. Tại sao? – Vì chỉ cầnđổi có mấy chữ rất quan-trong nầy: đổi chữ ôm-ấp ra thành chữ vứt đi; đổi chữ chẳng nguôi ra thành chữ liền nguôi; đổi chữ nặng cõi lòng ra thành chữ nhẹ cõi lòng.
2.- Làm sao mà “Vứt Đi” được để cho “Nhẹ Cõi Lòng”?
Học thuộc lòng hai bài Kệ thì chẳng quá khó; đổi mấy chữ ở bài Kệ số 003 ra mấy chữ ở bài Kệ số 004 cũng chẳng phải quá khó, nhưng từ “Nặng cõi lòng” mà trở nên “Nhẹ cõi lòng” thì chẳng phải dễ. Phải tu cả đời mới khiến cho lòng mình được thanh-tịnh, nhẹ-nhàng.
Tôi xin đề-nghị vài cách “Vứt Đi cái Giận-Hờn” như sau:
– Cách thứ nhứt: hãy tìm ngay một ly nước lạnh, chẫm rãi uống từng ngụm và tự nói với mình: “Đừng có giận làm gì cho mệt!”
– Cách thứ hai: nếu chẳng có sẵn ly với nước, thì xin ngẩng đầu lên, nhắm mắt lại và chẫm-rãi hít vào một hơi dài, nghe luồng không-khí đi sâu vào, rồi thở từ từ ra, cũng nghe hơi xuyên qua lỗ mũi; thở như thế đến năm, mười hơi thì có lẽ người đang nói nặng kia cũng phải … nín.
– Cách thứ ba: đừng nhìn vào người đang nói nặng, hãy nhìn vào bên trong lòng mình và thành-tâm niệm nho-nhỏ:Mô Phật! Chớ nên niệm ở đầu môi chót lưỡi, mà phải niệm chơn-thành, nếu tưởng thấy được tượng Phật đang ngồi trên toà sen thì rất quí. Tôi chắc niệm chừng năm sáu tiếng như thế, người nói nặng kia cũng … bực mà nói: “Tao nói mầy có nghe không?” Ấy, đó là hiệu-lực của câu niệm đấy! Cứ niệm tiếp-tục, đừng trả lời, rồi thì chỉ còn tiếng Mô Phật, mà tiếng chửi bới im!
Trong ba cách nầy, tôi thấy cách thứ ba hiệu-nghiệm nhứt. Không tin, xin mời bạn gặp dịp làm thử xem!
Nhưng mà, khi bạn đang giận, bạn đâu biết bạn giận để đi tìm nước uống, để thở dài hơi, để Mô Phật. Vậy chỗ khó là chính mình phải biết mình đang giận, để tìm cách khắc-phục cơn giận. Làm sao biết?
3.- Câu hỏi: “Mình đang giận, làm sao biết mình đang giận?”, nghe có vẻ lẩm-cẩm, nhưng câu hỏi đó chứa mộtsự-thật rất quan-trọng, và câu trả lời chẳng phải dễ tìm thấy. Sự-thật quan-trọng đó là, khi giận người ta như điên lên, chỉ biết hướng về đối-tượng mà trả thù cho hả cơn giận, chớ đâu có thời-giờ quay vào bên trong lòng mình mà nhìn xem tâm mình đang sôi sùng-sục như nồi cơm đang nấu trên bếp. Câu trả lời cho xác-đáng chẳng dễ tìm là vì rất khó cho mình nhìn biết tâm mình một cách vô-tư.
4.- Tại sao rất khó cho mình nhìn biết tâm mình một cách vô-tư? –
– Vì mình hay hướng ra bên ngoài, ít khi chịu quay vào bên trong để tự quán-sát và tự phán-xét mình. Nếu biết quay vào bên trong tâm mình, kinh sách gọi đó là phản quang tự-kỷ, nghĩa là dùng ánh-sáng của tâm-trí mình quay về chiếu rọi lấy tâm-trí của chính mình.
– Vì mình hay binh-vực mình, ít khi chịu thẳng-thắn nhìn lấy lỗi của mình, lại hay tìm cớ để bào-chửa cho cái Ta của mình. Nếu biết quên được cái Ta đó, hay cao hơn nữa biết vứt bỏ luôn cái Ta đó, kinh-sách gọi là thông-đạt được lẽ Vô-ngã của nhà Phật (vô = chẳng có; ngã = cái Ta). Và nếu chẳng những tâm-trí biết được lẽ Vô-ngã mà cả ý-tưởng, lời nói và việc làm đều theo đúng lẽ Vô-ngã, thì đang chứng-đắc được điều quan-trọng nhứt trong công việc tu-hành: tu là tu tâm mình.
5.- Thế nào là “Tu là tu tâm mình”? – Tu chẳng phải là chỉ ăn chay, đi chùa, lạy Phật, tụng kinh, niệm Phật mà đủ. Các việc vừa kể rất cần-thiết, nhưng chỉ là những hình-thức giúp cho mình biết hướng về bên trong mình, tập sao cho tâm-trí mình trở nên nhẹ-nhàng, trong-sáng hơn. Đến được mức tâm thamh-tịnh là được GIÁC-NGÔ và GIẢI-THOÁT.
6.- Bốn bài Kệ đầu-tiên trong Kinh Pháp-Cú vạch ra rõ con đường TU TÂM cho ta. Hai bài Kệ số 1 và số 2 chỉ rõ Tâm-Ý là nơi ta phải làm sao cho trong-sáng lên. Hai bài số 3 và số 4 dạy cách vứt đi sự Sân-Hận, để choTâm được nhẹ-nhàng hơn. Có ba món độc làm cho Tâm nặng-nề chẳng giải-thoát được: Tham, Sân và Si. Conđường tu tâm là dẹp sạch ba món độc-hại đó để được GIÁC-NGÔ và GIẢI-THOÁT. Chỉ có thế!
Hãy chia sẻ nội dung này để mang giáo pháp đức Phật đến với mọi người.
Boramey
I studied the Dhamapada in Khmer-Pali more than 30 years ago. Unluckily, years later that I cannot access to the books any more due to wars both in Cambodia and VN and bad people burnt/destroyed them all. Thank you very much for the translation above that I can recall almost all of the very first 4 Keatha which is called Ke in Vietnamese here.
Yours faithfully